5 xét nghiệm phụ nữ không nên bỏ qua
05-09-2022 | 4:45 PM
1. Ung thư cổ tử cung
Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, đứng thứ 4 trong các loại ung thư mà phụ nữ thường gặp và hầu như có thể phòng ngừa được. Nghiên cứu khoa học cho thấy, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở tuổi trung niên, phổ biến nhất là từ 35 đến 55 tuổi.
Phụ nữ nên giữ gìn vùng kín sạch sẽ và sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để ngừa ung thư cổ tử cung
Theo khuyến cáo, phụ nữ trung niên nên làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm PAP mỗi năm 1 lần. Nếu đang có vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa như khí hư bất thường, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung… thì cần đi khám và chữa trị dứt điểm để bệnh không tiến triển nặng hơn. Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường ngày, chị em nên giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn.
2. Ung thư vú
Nếu trong gia đình có chị em từng bị ung thư vú thì bạn nên cẩn thận đi xét nghiệm sớm. Phụ nữ sinh con muộn sau tuổi 30, người nghiện thuốc lá, uống rượu và bia cũng sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên là đối tượng dễ bị mắc bệnh ung thư vú cao gấp 3 lần so với những độ tuổi khác, vì thế bạn cần tập thói quen tự kiểm tra ngực hàng tháng. Cách đơn giản để phát hiện những bất thường là đứng trước gương tự sờ ngực và nằm ngửa sờ nắn ngực xem có những u cục lạ không. Nếu xuất hiện những cơn đau ngực bất thường, cần phải đi khám sớm để bác sĩ chẩn đoán kịp thời.
Bên cạnh đó, phụ nữ trung niên cần chọn cho mình chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục hợp lý và và nhất là phải thường xuyên khám ngực định kì.
3. Loãng xương
Phụ nữ dễ bị mất xương, loãng xương hơn nam giới, đặc biệt sau tuổi 30. Cần thực hiện kiểm tra 5 năm/lần bởi người phụ nữ bị mất 30% khối lượng xương của mình trong vòng 5 năm từ thời kỳ mãn kinh.
Phụ nữ dễ bị loãng xương hơn đàn ông
Những phụ nữ nhẹ cân có khối lượng xương thấp thì càng có nguy cơ cao. Nếu mật độ xương của bạn có vẻ thấp, bạn có thể cần làm thêm các xét nghiệm để đo tốc độ mất đi khối lượng xương. Phụ nữ trung niên cần chú ý bổ sung canxi cùng với Vitamin D, kết hợp chế độ tập thể dục đều đặn để củng cố cho sức khỏe xương.
4. Xét nghiệm tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Nếu không sớm được khống chế, căn bệnh này sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm với cơ thể. Nam giới và nữ giới độ tuổi trên 40 có nguy cơ mắc tiểu đường cao, nhất là ở những đối tượng thừa cân, hút thuốc lá và ít vận động.
Những người mắc tiểu đường dễ có nguy cơ mắc đột quy hoặc đau tim cao gấp 5 lần so với người bình thường. Những rắc rối khác mà bệnh nhân tiểu đường có thể gặp phải là suy giảm thị lực, dễ bị tổn thương các mạch máu, dây thần kinh và các cơ quan nội tạng. Một số dấu hiệu để nhận biết tiểu đường tuýp 2 là dễ khát nước, mệt mỏi và đi tiểu nhiều. Do đó, bạn cần xét nghiệm tiểu đường định kỳ để phát hiện và khống chế sớm bệnh.
5. Rối loạn tuyến giáp
Phụ nữ có khả năng bị các chứng rối loạn tuyến giáp cao hơn gấp 10 lần so với nam giới, đặc biệt là với phụ nữ trên 30 tuổi. Do đó, các bác sĩ khuyên rằng sau 30 tuổi, bạn nên thường xuyên thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ hoocmon kích thích tuyến giáp. Một khi tuyến giáp bị rối loạn, tức là hoạt động quá mạnh hay quá yếu, đều sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khỏe như mệt mỏi, kiệt sức, rối loạn giấc ngủ, hoa mắt chóng mặt…
N.D