Nỗi lo mang thai ngoài ý muốn của nữ giới
01-09-2022 | 10:07 PM
Trên thế giới, mỗi năm có 80 triệu phụ nữ mang thai ngoài ý muốn. Trong đó, 20 triệu nữ giới có ý định phá thai, 68.000 người có thể tử vong vì rủi ro biến chứng khi phá thai.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hạng Việt Nam đứng đầu châu Á, nằm trong top 5 quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, có khoảng 280.000 ca phá thai năm 2015 từ hệ thống y tế công, chưa kể các cơ sở y tế tư nhân, tự phát. Nhiều trường hợp đã nạo hút thai nhiều lần do thiếu hiểu biết.
Nhằm hạn chế con số này, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương (T5G), Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ Chăm sóc Sức khoẻ - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bayer Việt Nam phát động chiến dịch “Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động - Chủ động tránh thai, tròn vai thiên chức”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên Đoàn Chủ tịch - Trưởng ban Gia đình Xã hội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ Chăm sóc Sức khỏe, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, chương trình trang bị cho chị em kiến thức tránh thai an toàn, để phát huy tiềm năng bản thân, vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thông tin chiến dịch “Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động - Chủ động tránh thai, tròn vai thiên chức” tại đây
Theo chuyên gia, người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn có thể chịu rủi ro sức khỏe, áp lực tâm lý, gián đoạn sự nghiệp, lo lắng kinh tế, sợ hãi về tương lai...
Thai kỳ, nữ giới không hoàn thành tốt công việc được giao vì mệt mỏi, ốm nghén, đi lại khó khăn. Sinh nở, họ lại tiếp tục nghỉ thai sản thời gian dài để chăm con. Đến lúc quay lại công việc, vẫn phải dành nhiều thời gian, tâm trí cho em bé khiến năng suất làm việc không cao, khó thăng tiến.
Khi thu nhập người vợ không ổn định, áp lực kiếm tiền dồn lên vai người chồng, điều kiện chăm sóc và nuôi dạy con cái chắc chắn sẽ hạn chế hơn. Bố mẹ khó chu toàn đầy đủ cho bé vật chất lẫn tinh thần khi chưa sẵn sàng. Việc phân chia trách nhiệm và thời gian chăm con cũng khiến vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, tranh cãi, rạn nứt tình cảm.
Đối với đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn của bố mẹ, đặc biệt là trong gia đình nghèo khó, có nguy cơ bạo hành cao hơn bình thường. Gia đình đông con khiến bố mẹ lo toan kiếm tiền, ít quan tâm đến cảm xúc của trẻ, ảnh hưởng đến tâm sinh lý sau này.
Sinh con khi chưa sẵn sàng dễ khiến vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Ảnh: Shutterstock
Khi chuẩn bị chu đáo tài chính và tinh thần, bố mẹ sẽ sẵn sàng chào đón thành viên mới hơn. Nếu hiện tại chưa muốn có con, vợ chồng nên chủ động tránh thai an toàn để làm tròn vai thiên chức.
Theo WHO, có 4 biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiệu quả gồm viên uống tránh thai kết hợp, thuốc tiêm, đặt vòng và cấy que. Mỗi biện pháp có ưu và nhược điểm riêng. Trong đó, viên tránh thai kết hợp cho hiệu quả ngừa thai đến 99% nếu dùng đúng hướng dẫn. Thời gian đầu, có thể gây tác dụng phụ ở một số phụ nữ như ra máu giữa kỳ kinh, nhức đầu nhẹ, buồn nôn, căng tức ngực do cơ thể đang điều chỉnh để thích ứng với nồng độ nội tiết mới trong viên uống. Triệu chứng thường giảm dần và mất đi ở các vỉ thuốc kế tiếp, nếu kéo dài hoặc nặng hơn, cần xin tư vấn bác sĩ chuyên khoa.
An San
Nguồn: Báo Vnexpress
“Là phụ nữ, tôi chọn sống chủ động” là chuỗi chương trình về sức khỏe cộng đồng do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thực hiện, với sự đồng hành của Công ty TNHH Bayer Việt Nam nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về sức khỏe sinh sản và tránh thai an toàn, hiệu quả cho chị em phụ nữ trên cả nước.
Chương trình đã được thực hiện liên tiếp 5 năm với quy mô ngày càng mở rộng và sâu hơn khi hướng đến nhiều đối tượng chị em phụ nữ như: sinh viên, cán bộ dân số, công nhân...
Để tìm hiểu thêm thông tin về chương trình cũng như các kiến thức về sức khỏe sinh sản và tránh thai an toàn, vui lòng tham khảo tại đây:
Website: http://phunusongchudong.suckhoegiadinh.com.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/phunusongchudong/
Hoặc tải App “Sống chủ động” trên nền tảng Android và iOS.